Tháng Mười Hai, 2017
*rét = lạnh + khô
Nếu được hỏi có gì hót trong chuyến hành trình Tây Bắc này, thì chỉ cần trong nửa nốt nhạc tôi sẽ có câu trả lời cho bạn, đó là: rét – một cái rét thấu xương thấu thịt, cái rét bất chấp 4 lớp áo khoác, 2 lớp quần, 1 lớp bao tay len của một đứa với lớp mỡ trong cơ thể bị tiêu giảm như tôi, một cái rét đeo đuổi không dứt trên 1200 km hành trình, 24/24 trong 6 ngày rong ruổi của tôi. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, mùa nào đi chăng nữa, thì Tây Bắc vẫn đẹp theo cách riêng vốn có của nó. Cao nguyên đá Đồng Văn, Lũng Cú, Mã Pí Lèng, hoa cải, hoa tam giác mạch, Hoàng Su Phì, Sapa, Khau Phạ, Mộc Châu, Thung Khe… – những cái tên sẽ khắc sâu vào trí nhớ của tôi với những ký ức, kỷ niệm khó phai.
Trước khi đi vào chi tiết chuyến hành trình rét mướt của mình, tôi xin tóm tắt vài dòng để bạn có thể hiểu về hoàn cảnh lịch sử của chuyến đi lần này. Với mục tiêu, (tất nhiên) là khám phá Tây Bắc và làm một chuyến xuyên Việt để khoe khoang với thiên hạ, tôi đã không ngần ngại vác người bạn đồng hành – xe máy lên ô tô để gửi từ Sài Gòn – Hà Nội, sau đó ăn no ngủ kỹ ở Hà Nội 2 ngày trước khi bắt đầu lăn bánh trên Quốc Lộ 2 để bắt đầu chuyến hành trình rét buốt lần này.
Đặt chân đến phố núi Tam Đảo, nơi cách Hà Nội chỉ tầm 70km, vào buổi sáng rét buốt ngày cuối tuần, thì ở đây không có gì khác ngoài cơ man là ‘người’. Người già nghĩ dưỡng có, ekip chup hình cưới cũng có, các đoàn phượt thì khắp nơi, nhưng với rừng người đông đúc như thế cũng không đủ để sưởi ấm bầu tiết trời lạnh giá tầm 10 độ C của thành phố sương mù này. Đến với Tam Đảo thì không thể bỏ qua Nhà thờ đá Tam Đảo – ngắm nhìn quảng trường Tam Đảo phía dưới, học theo mấy ông chụp hình cưới làm vài quả ảnh ảo diệu, rồi đi xuống phía dưới ăn thêm bắp nướng, khoai nướng nóng hổi trong tiết trời se lạnh của mùa đông miền Bắc.
Lăn lộn một hồi một hồi vòng quanh trung tâm thị trấn, ngắm cũng đã con mắt rồi, chụp cũng nóng máy rồi, thôi thì lượn xuống Quán Gió Tam Đảo làm ly cà phê, hóng gió, ngắm cảnh. Nằm ở lưng chừng núi phía nam trung tâm thị trấn, Quán Gió sở hữu khung cảnh cực chất với cảnh rừng núi trập trùng kéo dài đến tận chân trời, tô điểm lác đác những gợn mây trắng ẩn hiện trong một vùng xanh bạt ngàn, hướng mắt ra bên phải quán là một nhà thờ (đang được xây dựng) đứng sừng sững trên một đỉnh đồi như tạo điểm nhấn cho khung cảnh ảo diệu nơi đây.
Rời thành phố Tam Đảo khi trời bắt đầu sang chiều, nhưng nhiệt độ dường như chẳng có gì thay đổi, vẫn cái lạnh thấu xương. Nhưng cái khí trời lạnh teo này không thể đóng băng được tâm trạng hồ hởi khi tôi tiến đến địa điểm tiếp theo: Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên sau hành trình hơn 20km từ trung tâm thị trấn Tam Đảo. Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên là cái nôi của nền Phật giáo Việt Nam với lịch sử phát trích gần 17 thế kỷ về trước. Nằm ở lưng chừng núi, bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự, khuôn viên của Thiền viện trải dài gồm nhiều công trình phục vụ cho việc tu hành của các phật tử và tham quan của du khách.
Thong thả vãn cảnh chùa đến tận 3h chiều, tôi mới sực nhớ ra đích đến của ngày hôm nay là thành phố Hà Giang, tuy vậy do chủ quan là Quốc lộ 2 vẫn còn dễ đi chán nên kể cả nửa đêm mới mò tới thì cũng không sao nên hậu quả là phải hứng quả lạnh tê tái da thịt lần đầu tiên khi một thân một mình khoác trên mình một chiếc áo gió trên một con xe phóng bay bay trong tiết trời chỉ còn… 11 độ c. Cũng may là Quốc lộ 2 dễ đi thật nên mới hơn 9h tối, tôi đã cuộn tròn trong chăn ở Tp Hà Giang sau khi dừng ở thành phố Tuyên Quang để nghe thông báo về đợt rét nhất năm và ăn tối bằng cháo gà, thêm nửa hũ tiêu và 3 ly rượu để chống rét ở thị trấn Việt Quang.
Vì lý do có quá nhiều thứ hay ho trên miền cao nguyên ”đầy” đá này, nên Phúc sẽ tách phần này thành một bài viết riêng để có thể khoe đầy đủ hơn về vùng đất tuyệt cú mèo này.
Hoàng Su Phì một huyện nằm phía tây của thành phố Hà Giang, với phía bắc giáp Trung Quốc. Ngoài những cánh đồng ruộng bâc thang trải dài trên những dãy núi hùng vĩ như được nhiều người nhắc tới, thì ở đây còn nổi tiếng với những con đường đèo khó nhằn, những cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ chẳng kém gì Cao nguyên đá Đồng Văn, đã thế nơi đây còn sở hữu riêng cho mình một số nét đặc trưng, chẳng hạn như những tuyến đường sạt lở vì lũ quét, những con đường trải đá ghập ghềnh hay đặc biệt hơn là những dãy ruộng bậc thang mang vẻ đẹp rất riêng.
Rời Sapa vào sáng sớm để hứng trọn quả không khí vẫn còn mờ sương (hên là chưa có bụi) dưới tiết trời đâu đó 6-7 độ C, để tiếp tục hành trình qua đèo Ô Quý Hồ trên Quốc lộ 4D, vòng sang tỉnh Lai Châu sau đó men theo Quốc lộ 32 để qua Yên Bái. Nghe đâu Yên Bái chỉ đẹp với những cánh đồng ruộng bậc thang khi mùa lúa chín, hoặc mùa nước đổ, nên những trải nghiệm về Yên Bái của Phúc chỉ gói gọn trên con đường đi qua những vùng quê thơ mộng, đỉnh đèo Khau Phạ với tầm nhìn thoáng đãng và đi lạc lối ở Trạm Tấu.
Nghỉ một đêm tại Nghĩa Lộ sau khi ngán ngẩm bào những cung đường đất trong lần lạc sấp mặt ở Trạm Tấu tối hôm trước, Phúc quyết định thưởng cho mình một ngày êm đềm khi xuôi theo quốc lộ 32, vào 37 sau đó rẽ qua 43 để đến thị trấn Mộc Châu êm đềm sau khi nhập vai ”người đi phà trên sông Đà”
Vì đang trong ngày khó ở cần nghỉ dưỡng nên Phúc chỉ lượn lờ quanh thị trấn Mộc Châu để ngắm nhìn nhịp sống nhộn nhịp nhưng cũng khá êm đềm của người dân, sau đó ghé rừng thông và hồ bản Áng làm vài pô hình cho thiên hạ biết mình đã đến Mộc Châu. Có nhiều cách để hưởng thụ cuộc đời ở đây, nếu thèm hơi người, thì hãy đi dạo vòng quanh hồ bản Áng, sẽ có một số thú vui như hái dâu tây, ăn vặt giữa rừng thông hay mua đồ lưu niệm. Nếu muốn tự do dạo chơi tránh xa loài người, hãy đi sâu vào trong rừng một chút, ở đó chỉ có tiếng chim hót và tiếng lá xào xạc.
Người ta đến Mộc Châu có đôi có cặp, tay trong tay dắt nhau đến Đồi chè trái tim chen chúc nhau xếp hàng để được đứng giữa những hàng chè xếp thành hình trái tim làm vài pô ảnh chứng minh tình yêu các kiểu. Phúc đến Mộc Châu tay không chẳng có ai, tay trong tay với cái chân máy cùng em máy ảnh te tua, thôi thì mình cũng dựng chân máy lên và làm vài tấm giữa những vườn chè bạt ngàn (và tất nhiên phải cách xa khu chè hình trái tim, chứ một thân một mình chen chân vào chụp hình, khéo chúng nó lại đánh cho).
Nhân tiện nếu ghé qua Mộc Châu vào cuối tuần, lượn lờ quanh những hàng chè, bạn có thể gặp được một chú ngựa trắng của một anh thợ chụp hình, cái giá cho 1 lần cưỡi ngựa và bị chụp vài pô hình nhìn ngầu ngầu như ở trên là 20k (Phúc không biết giờ anh thợ chụp hình còn hoạt động nữa không, và giá cả có tăng do lạm phát không).
Mộc Châu ngày cuối tuần, như những địa điểm du lịch khác, khách sạn, nhà nghỉ, đặc biệt là homestay các kiểu đều full phòng cộng thêm quãng đường về lại Hà Nội chỉ còn hơn 200km đã thế lại còn được chạy trên Quốc lộ 6 bằng phẳng nhất hệ mặt trời nữa, chi bằng về lại Hà Nội trong ngày, làm tô phở, thuê cái dorm ngủ lấy sức thì hợp lý hơn.
Nhân tiện thì Phúc cũng không quên ghé Cột cờ Mai Châu (đỉnh đèo Thung Khe – huyện Mai Châu – tỉnh Hòa Bình) để ngắm thị trấn Mai Châu từ trên cao và ghé trạm dừng chân giữa đèo để thưởng thức vài quả trứng gà nướng nóng hổi giữa thời tiết se lạnh.
Đặt chân đến Gecko Hostel giữa phố Hàng Bạc trong đêm Giáng sinh sau khi hít một phổi bụi trên quốc lộ 6 đoạn ngoại thành Hà Nội, thưởng thức một tô phở ở Hà Đông và còn được bonus thêm gần 2 tiếng kẹt giữa biển xe trên mọi nẻo đường. Đánh một giấc ngon lành để chính thức kết thúc đúng một vòng hành trình khám phá Hà Giang và vùng Tây Bắc Việt Nam.